Nhiều ĐBQH cho rằng, đối chiếu với nội dung Tờ trình của Chính phủ cho thấy phạm vi sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật còn tương đối hẹp, một số nội dung đề ra trong Chiến lược cải cách thuế chưa được thể chế hóa trong lần sửa đổi, bổ sung này. Do vậy, Chính phủ cần đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung căn bản, đầy đủ, toàn diện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Văn Muôn : Bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, cần có biện pháp để tăng cường hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu
Tôi đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm giảm việc hút thuốc lá, bởi xét về lâu dài thì đây là việc làm có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Mặc dù trước mắt biện pháp này sẽ chưa thể tác động ngay tới thói quen của người hút thuốc lá, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ có tác động phần nào giúp giảm tiêu thụ mặt hàng này. Tờ trình của Chính phủ có đề cập đến khía cạnh khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, giá bán thuốc lá trong nước sẽ cao lên, gây kích thích cho hoạt động buôn lậu thuốc lá. Thực tế trước đây giá thuốc lá thấp thì hoạt động buôn lậu mặt hàng này vẫn diễn ra tràn lan. Mặc dù tình trạng buôn lậu, thuế và giá có liên đới với nhau nhưng không phải là những mối liên quan trực tiếp. Có chênh lệch giá giữa hàng hóa trong nước với bên ngoài là sẽ có buôn lậu, tuy nhiên đây là chỉ lập luận ở một góc độ nào đó, chứ không đúng hoàn toàn. Nhưng từ lập luận đó để thấy bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thì cần có biện pháp để tăng cường hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, có như vậy thì mới đạt được mong muốn giảm tiêu thụ thuốc lá.
Chính phủ đã phê duyệt lộ trình phòng, chống tác hại thuốc lá từ nay đến năm 2020. Cần căn cứ vào lộ trình này để xem xét việc đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Ví dụ căn cứ theo lộ trình thì cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên mức bao nhiêu để hạn chế được số người hút thuốc. Theo lộ trình, chúng ta phấn đấu giảm khoảng 8% tỷ lệ người hút thuốc lá trong vòng 8 năm (từ 2012 đến 2020) thì mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên 145% vào năm 2018 và tiếp tục xem xét tăng thuế lên 155% vào năm 2020. Lấy con số đấy để có số liệu tương quan giữa việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức tiêu dùng, từ đó mới tính ra lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng như Chính phủ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 90% vào năm 2020 thì e rằng sẽ không đạt được mục tiêu chúng ta đã đề ra. Riêng về lộ trình, tại sao chúng ta không đưa ra lộ trình gồm các năm 2015, 2016, 2017... mà cứ nhất thiết phải lộ trình 3 năm? Trên thế giới có nhiều nước đã áp dụng lộ trình tăng dần theo từng năm một, đỡ gây tâm lý đột ngột mà vẫn tạo sự ổn định. Nếu theo lộ trình từng năm thì chúng ta sẽ không đạt mục tiêu một cách giật cục. Vì vậy tôi đề nghị cần xem xét lại lộ trình.
(Theo Đại biểu nhân dân)