Điều kiện Kinh tế - Xã hội  

ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI

Cập nhật ngày 05/11/2014 07:48:40 AM - Lượt xem: 256


ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Tài nguyên nước

Điện Biên nằm ở khu vực đầu nguồn 3 con sông lớn của cả nước là: Sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông.

Trong đó:

- Sông Đà ở phía Bắc tỉnh (giáp với tỉnh Lai Châu mới) bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Mường Tè (tỉnh Lai Châu) - thị xã Mường Lay - Tuần Giáo rồi chảy về tỉnh Sơn La. Sông Đà (trên địa bàn Điện Biên có các phụ lưu chính là Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Pụ, Nậm Mức...) với tổng diện tích lưu vực khoảng 5.300km2, chiếm 55% diện tích tự nhiên của tỉnh; chảy qua các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay.

- Hệ thống sông Mã có các phụ lưu chính là sông Nậm Khoai (huyện Tuần Giáo) và sông Nậm Mạ (huyện Điện Biên) với diện tích lưu vực 2.550km2. Đây là hệ thống sông lớn thứ hai của tỉnh.

- Hệ thống sông Mê Kông có diện tích lưu vực là 1.650km2 với các nhánh chính là sông Nậm Rốm, Nậm Núa. Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ Bắc huyện Điện Biên qua thành phố Điện Biên Phủ - Pa Thơm (huyện Điện Biên) rồi chảy sang Lào. Sông Nậm Núa bắt nguồn từ Mường Nhà chảy theo hướng Nam - Bắc sau đó chuyển sang hướng Đông - Tây và gặp sông Nậm Rốm ở lòng chảo Điện Biên rồi chảy sang Lào.

Nguồn tài nguyên nước mặt rất phong phú với hơn 10 hồ và hơn 1.000 sông, suối lớn nhỏ phân bố tương đối đồng đều. Sông suối ở Điện Biên nhiều, nguồn nước tương đối dồi dào. Đây là nguồn nước chủ yếu mà hiện nay Điện Biên đang khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, địa hình cao, dốc; nhiều thác, ghềnh; có lượng dòng chảy lớn; lượng dòng chảy giảm dần từ phía Bắc đến phía Nam của tỉnh. Các huyện Mường Chà và phía bắc Tuần Giáo có một dòng chảy từ 30 - 40 l/s/km2; huyện Điện Biên và phía nam Tuần Giáo chỉ còn 20 l/s/km2. Vì vậy, khả năng giữ nước vào mùa khô rất khó khăn.

Nguồn nước ngầm của tỉnh Điện Biên được tập trung chủ yếu ở các thung lũng lớn như huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Các thung lũng này có trữ lượng nước ngầm khá lớn và hình thành túi đựng nước ở độ sâu từ 20 đến 200m. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ thực hiện một số mũi khoan thử nghiệm, chưa đi vào khai thác.

* Tiềm năng thủy điện:

Theo khảo sát sơ bộ, tại Điện Biên có nhiều điểm có khả năng xây dựng nhà máy thuỷ điện, trong đó đáng chú ý là các điểm: Thuỷ điện Mùn Chung trên suối Nậm Pay, thuỷ điện Mường Pồn trên suối Nậm Ty, thuỷ điện Nậm Mức trên sông Nậm Mức, thuỷ điện Nậm He trên suối Nậm He, thuỷ điện Nậm Pồ trên suối Nậm Pồ, hệ thống thuỷ điện trên sông Nậm Rốm, Nậm Khẩu Hú... Tuy nhiên, việc khai thác các tiềm năng này còn ở mức khiêm tốn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có một số nhà máy thuỷ điện như Nà Lơi 9.300KW, thác Bay 2.400KW, Thác trắng 6.200KW, Nậm Mức 44Mw đang được xây dựng và khai thác khá hiệu quả.

2. Tài nguyên đất

Theo số liệu thống kê hiện trạng sử dụng đất năm 2010, Điện Biên có tổng diện tích đất tự nhiên là 956.290,37ha. Trong đó:

- Đất nông - lâm nghiệp chiếm chủ yếu với 79,31% tổng diện tích đất tự nhiên.

- Đất phi nông nghiệp (sử dụng để ở, phục vụ mục đích công cộng, trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp…) chiếm 2,27%.

- Đất chưa sử dụng vẫn chiếm diện tích tương đối lớn với 18,41%, chủ yếu là đất đồi núi, dốc chỉ có khả năng phát triển lâm nghiệp.

3. Tài nguyên rừng

Là tỉnh miền núi nên Điện Biên có tiềm năng lớn về rừng. Toàn tỉnh có tới 602.566,42ha đất lâm nghiệp có rừng (chiếm 63,01% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh). Trong số hơn 176 nghìn ha đất chưa sử dụng thì diện tích đất có khả năng phát triển lâm nghiệp là hơn 171 nghìn ha (chiếm trên 97%).

4. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản ở Điện Biên chưa được thăm dò đánh giá sâu về trữ lượng và chất lượng. Tuy nhiên, qua tra cứu các tài liệu lịch sử liên quan cho thấy, Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, gồm các loại chính như: nước khoáng, than mỡ, đá vôi, đá đen, đá granit, quặng sắt và kim loại màu..., nhưng trữ lượng thấp và nằm rải rác trong tỉnh.

5. Tiềm năng du lịch

Tỉnh Điện Biên có di tích lịch sử Điện Biên Phủ, khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng…là tài sản vô cùng quý giá để khai thác phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử, bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, bia Lê Lợi, thành Bản Phủ…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 19 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hoá.

6. Những lợi thế so sánh

Điện Biên có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai, đặc biệt là diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn (trên 500.000 ha, chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên). Đây chính là tiềm năng lợi thế lớn để tỉnh đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc… Ngoài ra cánh đồng Điện Biên rộng lớn với đất đai màu mỡ, được coi là vựa lúa của vùng Tây Bắc, nếu được đầu tư thoả đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sẽ trở thành nơi sản xuất lúa gạo chất lượng cao của cả nước để xuất khẩu. Tại các vùng Mường Nhé, Si Pa Thìn, Điện Biên có rất nhiều thuận lợi để tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng kinh tế trang trại.

Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hoá, du lịch cao, trong đó đáng chú ý là di tích Điện Biên Phủ và nhiều danh lam thắng cảnh gắn với nền văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em, đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ.

Ngoài những tiềm năng trên Điện Biên còn có đường biên giới chung với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Trung Quốc. Tại đây có cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Mường Lói, cửa khẩu A Pa Chải… Đây là những cửa khẩu quan trọng để tỉnh Điện Biên mở mang phát triển kinh tế và giao lưu với các nước. Ngoài tỉnh còn có sân bay Điện Biên đang được nâng cấp và mở rộng, đồng thời còn có nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ điện và các nguồn điện năng khác.

 

 


Tin liên quan