Thư ký kỳ họp thông qua báo cáo tại phiên thảo luận tổ chiều 31/3. Theo đó, phiên thảo luận tổ có 37 lượt ý kiến tham gia, tập trung kiến nghị một số sở, ngành làm rõ các vấn đề: mức phân bổ 80% số kinh phí được giao để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng… xuống mức 70% và nâng mức phân bổ cho các hoạt động khuyến nông từ 10% lên 20%. Làm rõ tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi trong quy hoạch ngành Y tế khác biệt khá xa so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; tỷ lệ xã có bác sĩ trong chỉ tiêu quy hoạch là khó thực hiện so với thực tế. Xem xét lại đối tượng áp dụng và trình tự, thủ tục để đưa người vào các trung tâm giáo dưỡng, mức hỗ trợ và mức đóng góp của đối tượng cai nghiện…
Đối với các ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tổ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải trình làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm trong các dự thảo tờ trình.
Với ý kiến tỷ suất trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi chết, lãnh đạo Sở Y tế nêu rõ: nguyên nhân là do nhận thức của nhân dân một số vùng trong tỉnh còn nhiều hạn chế, không phối hợp với cán bộ y tế, mặc dù đưa dịch vụ đến tận nhà. Đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền đạo trái pháp luật, một bộ phận người dân không đưa con em tới tiêm chủng; những phụ nữ mang thai đi làm nương hết kỳ sinh nở mới quay về bản, các trường hợp trẻ em ốm đau chưa được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, nhiều trường hợp đến cơ sở y tế trong tình trạng nặng, một số xã có tỷ lệ trẻ em tiêm chủng mở rộng thấp. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại tuyến xã chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn, thiếu kinh phí cho đào tạo, tập huấn tuyến y tế xã, bản...
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh giải trình một số vướng mắc
mà đại biểu quan tâm. Ảnh: Đặng Phương
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, thảo luận và thống nhất cao thông qua Nghị quyết về Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Y tế tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh mức hỗ trợ cho bệnh nhân Phong Khu tại khu điều trị K10 Nậm Zin tỉnh Điện Biên; Quy định mức chi thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Quy định mức chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Quy định chi tiết định mức phân bổ, mức hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ; thống nhất cao việc đổi tên đường 7/5 tại thành phố Điện Biên Phủ thành đường Võ Nguyên Giáp.
Đối Tờ trình về quy định mức chi cho công tác áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội, công tác tổ chức cai nghiệm ma túy tại gia đình và cộng đồng; điều chỉnh bổ sung mức hỗ trợ, đóng góp miễn giảm, đóng góp đối với người nghiện ma túy, Hội đồng nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan phối hợp với Thường trực HĐND nghiên cứu, xem xét giải quyết ngay sau kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu cho các dự thảo Tờ trình, Nghị quyết, đồng thời, đề nghị các ngành, các cấp cần bám sát 10 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp đã được UBND tỉnh quyết định; tập trung triển khai quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trước mắt, UBND tỉnh sớm có quyết định cụ thể và chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này, đặc biệt là khẩn trương đặt biển tên đường Võ Nguyên Giáp kịp thời để chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ./.
Tin, ảnh: Tuyết Anh – Trung tâm Tin học VPUBND tỉnh