Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
 
HĐND - Sáng 25/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Về sự cần thiết phải sửa đổi Luật, đại biểu Nguyễn Văn Thắng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Thực tiễn trong những năm qua, điều kiện kinh tế xã hội của thế giới, cũng như Việt Nam đã thay đổi, mức sống của người dân được nâng lên. Bên cạnh các tổ chức bảo hiểm ở Việt Nam, các công ty bảo hiểm quốc tế đã xuất hiện nhiều ở nước ta. Các hình thức, loại hình bảo hiểm xuất hiện nhiều, Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành từ năm 2000, không thể bao quát hết được các loại hình bảo hiểm sau này. Như vậy, cần thiết phải sửa đổi luật đảm bảo các loại hình bảo hiểm phải được chi phối bởi quy định của pháp luật.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV xem xét rất nhiều bộ luật, luật liên quan đến các cam kết Quốc tế mà Việt Nam tham gia, Việt Nam phải tuân thủ các cam kết đó. Luật Kinh doanh bảo hiểm bị chi phối bởi rất nhiều luật khác, trong đó là điển hình là Bộ Luật Dân sự. Năm 2015, Bộ Luật Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện. Do đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành có nhiều nội dung không còn phù hợp với Bộ Luật Dân sự nữa.

Ngoài ra, thực tiễn rất nhiều gia đình được mời gọi tham gia các loại hình bảo hiểm. Cá biệt, có trường hợp lợi dụng sự tin tưởng hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về các loại hình bảo hiểm dẫn đến người dân rất khó để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật đề bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Về các nội dung cụ thể, qua nghiên cứu, đại biểu Lò Thị Luyến nhận thấy Dự thảo Luật còn sử dụng một số từ ngữ chưa chặt chẽ, nhất là tại Chương II về Hợp đồng bảo hiểm có rất nhiều điều, khoản, điểm sử dụng từ “có thể” hay dùng ngôn ngữ văn nói như “một cách trung thực nhất”. Đại biểu cho rằng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu để có cách hiểu, cách áp dụng thống nhất trong quá trình thi hành. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu, xem xét, sử dụng từ ngữ cho phù hợp.

Về hình thức hợp đồng bảo hiểm, Điều 15, dự thảo Luật quy định về Hình thức hợp đồng bảo hiểm. Khoản 1 quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản”, Khoản 2 lại quy định “Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm và các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã có sự mâu thuẫn với nhau. Mặt khác, quy định về các hình thức giao dịch dân sự khác cũng chưa đảm bảo tính chặt chẽ vì theo Điều 119 Bộ Luật Dân sự quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”.

Về bảo hiểm vi mô (quy định tại chương IV của dự thảo Luật), đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến tín dụng, sức khỏe và tài sản. Do đó, cần tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua cũng như phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này./.

Tin,ảnh: Mai Hồng