Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
 
HĐND - Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công”; “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đoàn kết có nghĩa là sự gắn kết bền chặt giữa các cá nhân với nhau trong một tập thể, là hội tụ lại, hợp lại một cách hiệu quả, “Kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung” không chia rẽ. Đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh nghĩa là tất cả các giai cấp, tầng lớp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, những người yêu nước, kể cả những người đã “lầm đường, lạc lối” nhưng biết hối cải… đoàn kết lại.

Truyền thống đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc là di sản vô giá của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lịch sử mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của dân tộc ta đã chứng minh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều kết thành sức mạnh vô địch, đưa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Sau 15 năm ra đời, một Đảng non trẻ đã lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông nam châu Á, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ thành một dân tộc tự do độc lập. Trước thù trong giặc ngoài, chính quyền nhân dân đã kêu gọi, đoàn kết toàn dân tộc “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” đứng lên bảo vệ thành quả của cách mạng. Và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến Miền Nam đánh đuổi Đế quốc xâm lược. Chiến dịch lịch sử mùa xuân 1975 vinh dự mang tên Bác đã hoàn toàn thắng lợi, non sông về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành quả vĩ đại.

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất được thành lập với những tên gọi phù hợp như: Hội Phản Đế Đồng Minh (năm 1930), Mặt trận dân tộc thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1936), Mặt trận dân chủ Đông Dương (1938), Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh) (1941); Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là hội Liên Việt) (1946), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 đến nay). Ngày 18/11 hàng năm đã trở thành “Ngày hội đoàn kết” được tổ chức rộng khắp từ các bản làng, tổ dân phố đến xã phường trên toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay có một số biểu hiện dễ gây mất đoàn kết trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, như lợi ích cá nhân; lề lối, phong cách làm việc thiếu nền nếp, khoa học; thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, chế độ, chính sách, công tác cán bộ; việc bố trí sử dụng cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn.

Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khắc phục những biểu hiện dễ gây mất đoàn kết. Trong Đảng đoàn kết, thống nhất từ tư tưởng đến hành động; có kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Mỗi đảng viên phải thật sự là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên ở các cấp chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Đảng phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn mối quan hệ đặt ra giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình lãnh đạo.

Trong đó cán bộ là cái gốc, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Để đoàn kết nhất trí, cán bộ lãnh đạo cần phải cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí, hết lòng phục vụ nhân dân. Đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt là phải vừa có đức, vừa có tài, Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Đảng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở phải đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết Trung ương 4 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Về Nhà nước, Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Không ngừng cải cách bộ máy hành chính, tinh giản, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật như Bác đã căn dặn “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể phải có hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng giai cấp, tầng lớp, các ngành, các giới, các dân tộc, tôn giáo… để toàn dân tộc có thể tham gia xây dựng và thực hiện tốt đường lối, chính sách, của Đảng, Nhà nước./.

Nhữ Văn Quảng

Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban VH - XH HĐND tỉnh