HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh
 
HĐND - * Sáng ngày 5/11, Tổ giám sát số 1 - Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Lò Văn Muôn – Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn, tiến hành giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020” tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên.

Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2015-2020, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Việc triển khai kế hoạch đã được các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện có hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã gắn với quy hoạch và sử dụng, thông qua đào tạo giúp đội ngũ nhà giáo chủ động, tích cực, nâng cao về trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt (Năm 2015: 111 người, năm 2016: 19 người, năm 2017: 119 người, năm 2018: 102 người, năm 2019: 42 người, năm 2020: 23 người). Công tác tuyển sinh có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các nhà trường, địa phương. Quy chế tuyển sinh được thực hiện đúng quy định hiện hành, xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương trong toàn tỉnh. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, nhà trường thường xuyên cải tiến nội dung, biện pháp quản lý, chỉ đạo chuyên môn, tăng cường củng cố nền nếp dạy và học. Hàng năm, có trên 60% sáng kiến kinh nghiệm trong tổng số đề tài sáng kiến được thẩm duyệt liên quan đến tài liệu phục vụ công tác dạy học, sau khi được Hội đồng Khoa học nhà trường nghiệm thu đã áp dụng và đem lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác dự báo và khảo sát nhu cầu lao động trong tỉnh, hằng năm tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm kiếm việc làm, hoặc tự tạo việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp ra trường đạt từ 60%-90% tùy theo từng ngành nghề. Tuy nhiên, với điều kiện của 1 tỉnh miền núi khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô và nhu cầu thị trường lao động lĩnh vực ngoài quốc doanh chưa nhiều, nên người học sau khi ra trường chủ yếu tìm việc làm trong lĩnh vực nhà nước hoặc tự tạo việc làm.

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát tập trung vào các nội dung về đào tạo các ngành nghề mới, những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo,…

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu khoa học. Phát huy vai trò các tổ chức chính trị, xã hội, khuyến khích tinh thần vượt khó, hăng hái thi đua trong học tập và rèn luyện, làm tốt công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên.

* Cùng ngày, Tổ giám sát số 2 do đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng đã làm việc tại trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên và trường Cao đẳng nghề.

Qua giám sát tại Trường Cao đẳng Sư phạm cho thấy: trong những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ giáo dục bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và đào tạo cán bộ một số ngành ngoài sư phạm; liên kết đào tạo trình độ đại học, sau đại học; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Trước năm 2020, trường được đào tạo 16 chuyên ngành cao đẳng; 05 ngành trung cấp chuyên nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các trường mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở. Từ năm 2020, thực hiện Luật Giáo dục mới, nhà trường thực hiện tuyển sinh đào tạo 04 ngành: Giáo dục mầm non, Công tác xã hội, Tiếng anh, Hướng dẫn du lịch. Từ năm 2015 đến năm 2020, trường đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng cho 1.901 sinh viên; cấp bằng tốt nghiệp trung cấp cho 288 học sinh; cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý giáo dục cho 485 lượt học viên; cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 7.446 lượt học viên. Nhà trường thực hiện đầy đủ các chế độ miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, học bổng khuyến khích, chính sách nội trú cho sinh viên. Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, nhà trường còn có những hạn chế, khó khăn nhất định: Nhiều năm tuyển sinh không đủ chỉ tiêu giao; thực hiện Luật Giáo dục mới chưa có định hướng rõ ràng cho các trường Cao đẳng Sư phạm địa phương; nhà trường không đủ điều kiện tuyển sinh đào tạo giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở dẫn đến nhiều giảng viên không yên tâm công tác; nguồn kinh phí cấp cho nhà trường chủ yếu đảm bảo chi lương và các chế độ chính sách cho người học, nguồn chi đầu tư phát triển cơ sở vật chất ít; cơ hội việc làm theo ngành đào tạo cho sinh viên sau khi ra trường thấp…

Đối với trường Cao đẳng nghề: thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo. Trường đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tuyển sinh và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tuyên truyền, triển khai công tác tuyển sinh đảm bảo bám sát chỉ tiêu của tỉnh giao; chú trọng khảo sát nhu cầu thực tế về thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, tăng cường mối quan hệ với các trường THCS, THPT trong tỉnh, bước đầu xây dựng mô hình phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Hiện tại nhà trường và Trung tâm GDTX tỉnh liên kết phối hợp tuyển sinh và đào tạo song song hai chương trình THPT và trung cấp cho đối tượng học sinh THCS nên đã thu hút nhiều học sinh vào học. Kết quả tuyển sinh và đào tạo giai đoạn 2015 - 2020: Tổng số 10.870 học sinh, sinh viên và học viên, trong đó: trình độ Cao đẳng 632 sinh viên, trình độ Trung cấp 1.097 học sinh, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 9.141 học viên. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề gắn với việc làm của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn; điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có qui mô nhỏ, nhu cầu đào tạo lao động qua đào tạo không nhiều; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề tuy đã được quan tâm, đầu tư hằng năm nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, một số thiết bị đã cũ, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy và học của nhà trường…

Kết thúc các buổi giám sát, thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các trường. Đồng thời, đồng chí đề nghị trường Cao đẳng Sư phạm khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm nghiên cứu, phối hợp tốt với một số đơn vị liên quan đến các chuyên ngành ngoài sư phạm do trường đào tạo, trong đó có Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tìm cơ hội việc làm cho sinh viên học chuyên ngành Văn hóa - Du lịch, cần có giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, từ đó mạnh dạn đề xuất kiến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo để sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Trường Cao đẳng nghề cần có giải pháp đẩy mạnh công tác lãnh đạo, quản lý, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu thị trường lao động, để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các nhà trường để tổng hợp chung trong báo cáo của Đoàn giám sát HĐND tỉnh./.

Ngọc Quyên - Thu Hiền