Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
 
HĐND - Sáng ngày 23/10, tiếp tục ngày làm việc thứ tư, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.

Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

Phát biểu ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân, Trưởng Khoa truyền nhiễm Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần sửa đổi thêm quy định về Phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Điều 34 Luật phòng, chống HIV/AIDS hiện hành thành quy định về "Phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục", vì chưa có căn cứ xác định tất cả các bệnh lây qua đường tình dục đều có liên quan đến HIV/AIDS. Do đó, nếu các bệnh lây qua đường tình dục mà không "gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch" nên để Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm điều chỉnh sẽ phù hợp hơn. Đề nghị đưa quy định tại Điều 34 từ Mục 3 Chương III về Các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật y tế khác trong phòng, chống HIV/AIDS lên Mục 2, Chương II về Huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS. Theo đại biểu Vân, các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật y tế là các biện pháp sử dụng đến chuyên môn và kỹ thuật chuyên biệt, đặc thù của ngành y tế trong công tác phòng, chữa bệnh. Trong khi đó, quan hệ tình dục là bản năng sinh tồn, quyền riêng tư của mỗi người và từ xưa đến nay nó vẫn diễn ra mà không cần có sự can thiệp của "các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế". Hơn nữa, nguyên nhân chính gây lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục là do quan hệ tình dục không an toàn, liên quan đến vấn đề này thì giải pháp hữu hiệu nhất là huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân vào công tác phòng, chống sẽ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi triển khai thực hiện trong thực tiễn. 

Về các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại điểm b, c, khoản 2, Điều 11, đại biểu phân tích, hiện nay hành vi "bán dâm" và “sử dụng ma túy” trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính. Để xác định một người có hành vi bán dâm hoặc sử dụng ma túy trái phép phải do cơ quan thi hành pháp luật bắt quả tang hoặc qua xét nghiệm máu mới có đủ căn cứ. Do đó, quy định tại điểm b, c, khoản 2, Điều 11 sẽ gây hiểu nhầm là những hành vi “sử dụng ma túy và bán dâm” đang được pháp luật cho phép, cũng như gây khó khăn cho việc xác định chủ thể là người “sử dụng ma túy và người bán dâm” để tuyên truyền vì liên quan đến đời tư cá nhân và quyền con người. Đề nghị ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa lại thành “Người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” và “Người có hành vi bán dâm” cho phù hợp và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.

Kết thúc phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Mai Hồng