Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
 
HĐND - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên được ban hành, đặc biệt là đối với học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Ngày 18/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Sự ra đời của Nghị định số 116 thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là chăm lo cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo động lực cho việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, đào tạo và chất lượng cuộc sống giữa các vùng, các địa phương.
 
Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 116 của Chính phủ, Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân về “Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND, ngày 10/8/2017 của  Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp hướng dẫn, xác định đối tượng, khoảng cách từ nhà đến trường, xác minh thông tin của học sinh; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh làm thủ tục hưởng chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Chế độ hỗ trợ cho học sinh và các trường bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn cho học sinh… được các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách được sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, các trường quan tâm triển khai thực hiện. 
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 525 trường, 7.247 lớp với 195.957 học sinh, sinh viên. Trong đó có 131 trường PTDT bán trú (gồm 76 trường PTDT bán trú Tiểu học và 55 trường PTDT bán trú THCS); 161 trường có học sinh bán trú (cấp Tiểu học 86 trường, THCS 52 trường, THPT 23 trường); có 47.319 học sinh bán trú được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có học sinh được thụ hưởng chính sách đã thực hiện hỗ trợ cho học sinh đảm bảo theo quy định về cách thức, thời gian và mức hỗ trợ cụ thể: Hỗ trợ gạo: 15kg/tháng/học sinh, việc hỗ trợ theo thực tế thời gian học của học sinh (9 tháng/năm học) và được cấp phát trong 2 kỳ của năm học. Những học sinh phải tự lo nhà ở, được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng, được chi trả trực tiếp cho học sinh. Hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; đối với trường hợp ăn, ở bán trú tại trường, số tiền hỗ trợ được giữ lại để nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh trên cơ sở chấm thực tế ngày học sinh đi học. Nhà trường theo dõi đối với những học sinh vắng học có lý do và sẽ trả lại tiền ăn, gạo thừa vào cuối kỳ học. 
Từ năm học 2017-2018 đến năm học 2019-2020 số học sinh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, gạo trông đó: Có 141.677 học sinh được hỗ trợ tiền ăn với số tiền là 894.119 triệu đồng; 39.824 học sinh hỗ trợ tiền nhà ở, số tiền là 64.736 triệu đồng; 141.758 học sinh hỗ trợ gạo trên 18.408 tấn; toàn tỉnh đang hợp đồng với 637 nhân viên nấu ăn tập trung cho học sinh, khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh là 49.555 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ là 1.008.410 triệu đồng. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế, khó khăn như: chính sách, định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung các trường PTDT bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh thấp so với giá cả thị trường hiện nay chưa phù hợp đối với những trường có tổng số học sinh bán trú ăn tập trung lớn hơn 150 người hoặc những trường có số học sinh ăn tập trung dưới 30 người, không đủ 1 định mức nên không được hỗ trợ. Mức hỗ trợ tiền nhà ở đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú còn thấp (bằng 10% mức lương cơ sở/tháng), nhất là đối với những trường trên địa bàn các vùng thuận lợi, trung tâm thành phố có giá thuê nhà ở cao. Chưa có chế độ quản trú đối với cán bộ, giáo viên tại trường có học sinh ở bán trú nhưng không phải là trường PTDT bán trú. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc nấu ăn tập trung, chỗ ở của học sinh tại một số trường còn thiếu; nhiều công trình thiết yếu đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở của học sinh. Việc nắm bắt chế độ chính sách của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin của học sinh; công tác phối hợp hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh đôi khi còn chậm…
Để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện khó khăn trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, khoán kinh phí nấu ăn tập trung vì mức hỗ trợ như hiện nay thấp chưa đảm bảo cho việc ăn, ở của học sinh và người phục vụ; có chế độ quản trú đối với giáo viên tại các trường phổ thông có học sinh ở bán trú nhưng không phải là trường PTDT bán trú. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn mức hỗ trợ điều chỉnh tăng theo cách tính lương mới về cải cách tiền lương vào năm 2021.
Thứ hai: Các sở, ngành tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện kịp thời phân bổ, bổ sung kinh phí hàng năm cho các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh; quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh bán trú. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện chính sách tại các cơ sở giáo dục.
Đối với các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định đối tượng, khoảng cách từ nhà đến trường, xác minh thông tin của học sinh; tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh làm thủ tục hưởng chính sách theo quy định; thực hiện, quản lý chế độ, chính sách của học sinh đúng, đủ, công khai, minh bạch.
Thứ ba: Cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở phối hợp với các trường trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách tại các cơ sở giáo dục để việc thực hiện chế độ, chính sách của học sinh đảm bảo đúng quy định.
Thứ tư: Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn nói riêng, các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần do khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.
 
Vừ Thị Liên
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh