Ban hành nghị quyết về mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
 
HĐND - Mới đây, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản xin ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố vào dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều đề xuất điều chỉnh mức chi của Nghị quyết số 295/2012/NQ-HĐND, ngày 08/12/2012 của HĐND tỉnh khóa XIII về ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Nghị quyết 295) với 05 nhóm đối tượng và đề nghị được áp dụng từ ngày 15/8/2020.

Để cụ thể hóa và thực hiện thống nhất các nội dung chi, mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC, ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng của trung ương, của tỉnh, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh và các địa phương nghiên cứu tham mưu xây dựng và đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nhằm đảm bảo chế độ chính sách, tạo sự bình đẳng và không có khoảng trống trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ đề xuất 05 nhóm đối tượng được áp dụng chính sách gồm: cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã; công chức, công chức tập sự trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, đội, tổ dân phố ở xã; viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; những người được tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao tại các hội đặc thù và đại biểu HĐND các cấp. Sở Nội vụ cũng xác định và đề xuất 02 nội dung chi cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài.  

Ảnh: Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng Lễ Khai giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị

hệ không tập trung tỉnh Điện Biên, khóa 2017 – 2019, Ảnh: ĐienBientv.vn

Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, điểm mới đối với những nội dung chi và mức chi cho đào tạo cán bộ, công chức trong nước so với Nghị quyết 295 đó là: hỗ trợ 70% cán bộ, công chức kinh phí mua tài liệu bắt buộc của cơ sở đào tạo không phân biệt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung liên tục trong tỉnh, ngoài tỉnh từ 10 ngày/tháng trở lên và có khoảng cách từ cơ quan đến cơ sở đào tạo từ 20km trở lên với mức từ 50.000đ và 70.000đ/người; chi hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập gồm lượt đi, về, nghỉ lễ, tết đối với lớp học có thời gian dưới 01 năm và trên 01 năm và được đề xuất chỉ áp dụng đối với khoảng cách từ cơ quan đến cơ sở đào tạo từ 20km trở lên; hỗ trợ cán bộ, công chức là nữ, người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo theo các chính sách, chế độ quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc có thời gian từ dưới 01 tháng và trên 01 tháng với mức hỗ trợ 20.000đ/người/ngày và mức 400.000đ/người/tháng….

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất quy định nội dung chi, mức chi bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước với 02 nội dung trọng tâm, cơ bản đó là: thù lao cho cán bộ, công chức là giảng viên, báo cáo viên được đề xuất theo 05 nhóm với mức với từ 500.000đ - 2.000.000đ/người/buổi; đối với nội dung chi hỗ trợ một phần tiền ăn; chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập; chi hỗ trợ cán bộ, công chức là nữ, người dân tộc thiểu số được cử đi bồi dưỡng… được đề xuất các mức chi khá tương đồng với mức chi đào tạo cán bộ, công chức.

Đối với những nội dung chi và mức chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài trong dự thảo được đề xuất HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh chi theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền quyết định và sử dụng nguồn ngân sách đào tạo, bồi dưỡng hàng năm theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với kinh phí chi đào tạo, bồi dưỡng viên chức được Sở Nội vụ đề xuất với 02 loại hình, đó là: đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên hoặc một phần thì thực hiện theo quy định chi cho đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức; đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo hoàn toàn kinh phí hoạt động thì thủ trưởng đơn vị tự quyết định mức chi hỗ trợ cụ thể nhưng không được vượt quá mức chi quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC, ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính và phải được quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. 

Điểm mới và khác biệt so với Nghị quyết 295 đó là dự thảo đã đề xuất những người được tuyển dụng theo chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao tại các hội có tính chất đặc thù, đại biểu HĐND các cấp nhưng không thuộc biên chế các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội thì được hưởng chế độ bồi dưỡng từ nguồn khoán kinh phí cơ quan, đơn vị và đóng góp của cá nhân.  

Với những nội dung đề xuất quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh với nhiều điểm mới, có phạm vi tác động lớn, tin tưởng rằng Nghị quyết khi được HĐND tỉnh ban hành sẽ là cơ hội, điều kiện để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chứchọc tập nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới./. 

Quang Lâm