Tiêp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông dân tộc bán trú
 
HĐND - Tiếp tục Chương trình giám sát chuyên đề năm 2020 về "Kết quả thực hiện Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh "Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên", ngày 15/5, Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh, do đồng chí Vừ Thị Liên - UVTT, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát trực tiếp tại Trường THPT Phan Đình Giót và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tại buổi làm việc với Trường THPT Phan Đình Giót, các thành viên Đoàn giám sát đã chia sẻ những khó khăn của thầy và trò nhà trường như: hiện tại, nhà trường có 712 học sinh, trong đó có 318 học sinh được hưởng chế độ bán trú, nhưng khu nội trú chỉ có 19 phòng ở với quy mô 5 giường tầng/phòng, khu vệ sinh không đảm bảo, nhà bếp xuống cấp, chật chội, không có nhà ăn, học sinh phải ăn cơm tại phòng ở; số học sinh không được bố trí chỗ ở trong trường, phải thuê trọ ngoài với mức hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở là quá thấp so với giá nhà thuê ở thành phố; cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường không có chế độ quản trú do không phải là trường PTDT bán trú...

 

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn ngành có 525 trường, 7.247 lớp với 195.957 học sinh, sinh viên. Trong đó có 121 trường phổ thông DTBT, 09 phổ thông DTNT với 47.319 học sinh bán trú được hưởng được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Tất cả các trường PTDTBT và các trường có học sinh được hưởng chế độ bán trú đều triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ đầy đủ, kịp thời nên nhận được sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học tiểu học, THCS, THPT và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng ở các cấp học, đặc biệt là cấp mầm non. Toàn ngành hiện có 335/495 trường mầm non, phổ thông đang hoạt động giáo dục đạt chuẩn quốc gia, đạt 67,7%. Có 273/495 trường được công nhận và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục, đạt 55,2%.... Theo quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; hỗ trợ các trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh bằng 135% mức lương cơ sở/tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm 1 lần định mức, nhưng không quá 5 lần định mức nêu trên/tháng và không quá 9 tháng/năm học. Tuy nhiên, so với bảng giá lương thực, thực phẩm hiện nay thì mức hỗ trợ nêu trên còn thấp; hàng năm, nhân viên nấu ăn tại các trường có học sinh bán trú đều phải kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng không được hỗ trợ kinh phí; cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học tại các trường bán trú chưa đáp ứng nhu cầu... Mặt khác, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới trong đó không có mức lương cơ sở...

Ghi nhận những thành tích đạt được của ngành giáo dục cũng như những khó khăn do khách quan mang lại, đồng chí Vừ Thị Liên đã tiếp thu những kiến nghị của ngành để tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chính sách cho phù hợp thực tế. Đồng thời, đề nghị ngành giáo dục trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách tại các cơ sở giáo dục để phát hiện những sai phạm, kịp thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách./.

Tin, ảnh: Nguyễn Dung