Đề xuất ban hành chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh
 
HĐND - Sở Y tế vừa ban hành văn bản xin ý kiến tham gia các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố vào dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định số lượng, chế độ phụ cấp nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh, trong đó có đề xuất chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản được hưởng mức hỗ trợ 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản được tổ chức hoạt động trong ngành y tế từ năm 1996; chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản được ngành y tế thực hiện theo Thông tư số 07/2013/TT-BYT, ngày 08/3/2015 của Bộ Y tế, chế độ chính sách thực hiện theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg, ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 368/2015/NQ-HĐND, ngày 08/7/2015 của HĐND tỉnh Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc tại  Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng

Sau hơn 20 năm hoạt động, đội ngũ nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản đã phát huy được vai trò của mình đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa bàn dân cư ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn nhất là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, phụ nữ có thai, kế hoạch hóa gia đình, cụ thể: tham gia công tác tiêm chủng mở rộng, khám thai được 6.751 lượt người/năm; xét nghiệm nước tiểu 1.072 lượt người/năm; tư vấn về chăm sóc thai nghén 6.451 lượt người/năm; phát hiện nguy cơ cao liên quan sản khoa để chuyển tuyến hơn 700 lượt người/năm; đỡ đẻ tại nhà cho 1.068 bà mẹ/năm và hỗ trợ đỡ đẻ tại trạm y tế cho 880 bà mẹ/năm; chăm sóc, tư vấn sức khỏe sau sinh cho bà mẹ, trẻ em được gần 4.000 lượt người/năm..., ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nhân dân tham gia các hoạt động chống dịch, bệnh trên địa bàn... qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và nâng cao chất lượng y tế cơ sở theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tính đến ngày 31/12/2019, ngành Y tế tỉnh quản lý và chi trả phụ cấp cho 1.504 nhân viên y tế và 202 cô đỡ thôn, bản; đội ngũ này được bố trí hoạt động tại các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa tại các xã biên giới khó khăn, vùng dân tộc thiểu số sinh sống.

Cô đỡ Lò Thị Lan thăm khám thai cho bà mẹ ở bản Huổi Tao C, xã Pu Nhi, Điện Biên Đông

Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Tuy nhiên, ngày 24/4/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; cụ thể hóa Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, HĐND tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 26/8/2019 quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố; trong đó, quy định mức khoán kinh phí, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên được áp dụng thực hiện từ ngày 01/01/2020 thì nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản và cộng tác viên dân số sẽ không được ngân sách nhà nước chi trả phụ cấp. Trước tình hình nêu trên, ngành Y tế tỉnh phải tạm giao nhiệm vụ nắm thôn, bản cho cán bộ của trạm y tế xã. Tuy nhiên, đa số các trạm y tế ở khu vực vùng sâu, vùng xa đều có các bản cách xa trung tâm xã, có bản cách đến 40 km, trong khi đó, định biên biên chế các trạm y tế xã có từ 5 – 6 người, vì vậy, để gần dân, thực hiện tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế càng gặp khó khăn hơn.

Xác định được vai trò quan trọng của nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản đối với tuyến y tế cơ sở, vì đây là lực lượng, là đầu mối gần dân nhất, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc y tế, nhất là đối với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, công tác dân số, an toàn thực phẩm và một số hoạt động khác của y tế cơ sở; nên việc duy trì hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Xuất phát từ những lý do trên, ngành Y tế đã đề xuất với HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết Quy định số lượng, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo nội dung dự thảo, Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ quy định số lượng, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh cụ thể: Đối với Nhân viên y tế thôn bản quy định: Bố trí mỗi thôn, bản 01 nhân viên y tế thôn, bản tại các xã đảm bảo tiêu chí là thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; các thôn, bản cách trung tâm xã từ 3km trở lên. Đối với cô đỡ thôn, bản quy định: các thôn, bản vùng sâu, vùng xa có nhiều người dân tộc Mông sinh sống mà nhân viên y tế thôn, bản là nam giới thì bố trí thêm 01 cô đỡ thôn, bản; các thôn, bản có người dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống (Phù Lá, Si La, Cống) bố trí 01 nhân viên y tế thôn, bản và 01 cô đỡ thôn, bản với tổng nhu cầu nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh là 1.033 người, trong đó: Nhân viên y tế thôn, bản: 854 người; Cô đỡ thôn, bản: 179 người. Ngành y tế đề xuất chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hàng tháng được hỗ trợ mức 0,5 lần so với mức lương cơ sở (tính theo mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội).

Ông Nhữ Văn Quảng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho rằng: việc ban hành nghị quyết quy định số lượng chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết; tuy nhiên, khi tham mưu, xây dựng chính sách ngành y tế cần căn cứ vào các nghị quyết của HĐND tỉnh về chia tách, sáp nhập thôn, bản trên địa bàn tỉnh làm căn cứ lựa chọn thôn, bản để bố trí nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản cho phù hợp; tính toán, dự ước nguồn kinh phí hàng năm mà ngân sách của tỉnh sẽ hỗ trợ cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản phải đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; Ngành cần tập trung tham mưu, sớm hoàn thiện nội dung dự thảo nghị quyết để báo cáo cấp có thẩm quyền, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định trong thời gian tới./.

Nguyễn Quang Lâm - Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên