Thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh: những khó khăn, bất cập
 
HĐND - Thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên đang được thụ hưởng các nhóm chính sách dân tộc như chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng; chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực. Trong đó có 2 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới) và các chương trình có mục tiêu, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018; để tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh cho thấy: Tính đến hết năm 2018, tổng dân số là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh chiếm 81,6%, tỷ lệ hộ nghèo còn 46,28% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Giai đoạn từ năm 2014 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh là 5.698 tỷ 583,06 triệu đồng; đã thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là 2.686 tỷ 579 triệu đồng; 1.464.905 lượt thẻ BHYT được cấp cho người dân tộc thiểu số; đến hết năm 2018 có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 05/29 xã biên giới), 04 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62,86% mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số rất ít người ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế và có những giải pháp chỉ đạo triển khai thực hiện đạt mục tiêu của các chính sách đề ra, đó là:
Thứ nhát, Về việc ban hành chính sách: Trong 5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu và miền núi. Tuy nhiên, chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, có chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục; có nội dung manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng như: Trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ, cho không, mang tính giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng, chưa có chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập; nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện; việc phân công, phân cấp thẩm quyền về quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực phụ trách và địa bàn để thực hiện các chương trình, dự án khác nhau.... Đáng chú ý là có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện, như quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; có dự án chậm được bố trí vốn như Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011, Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 9/8/2016, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 nên không đảm bảo kế hoạch và mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của một số Bộ, ngành trung ương còn chậm so với quy định và yêu cầu triển khai thực hiện. 
Thứ hai, về tổ chức triển khai thực hiện: Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện chính sách đôi khi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, xã chưa chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách. Việc kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình cơ sở có việc chưa sâu sát, chậm tham mưu đề xuất giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, dẫn đến có sai phạm trong quản lý và triển khai thực hiện chính sách. Năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư nhất là cấp xã còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hằng năm còn chậm, trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới chưa có những giải pháp hữu hiệu; việc đầu tư, hỗ trợ có nơi chưa phù hợp, chưa gắn với nhu cầu của người dân. Hầu hết các huyện khi triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa có kế hoạch gắn với thị trường bao tiêu sản phẩm. Một số sản phẩm chủ lực chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý, thị trường tiêu thụ hẹp; một số mô hình đạt hiệu quả nhưng chưa được duy trì và nhân rộng. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm còn hạn chế, dẫn đến số liệu điều tra của một số đơn vị, địa phương chưa chính xác. Tiến độ giải ngân và thực hiện một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án khởi công mới; nhiều hạng mục công trình đã được phê duyệt nhưng không triển khai kịp thời; chậm quyết toán các dự án đã hoàn thành. Chất lượng, hiệu quả một số hạng mục công trình còn thấp. Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp đã được thành lập, nhưng hiệu quả hoạt động một số nơi chưa cao; chưa kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách tại địa phương. Đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội (nhất là nhu cầu của Doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh), chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức canh tác, sản xuất; đa số người học nghề là nông dân, khi học xong chưa đủ điều kiện để chuyển đổi sang ngành nghề khác. Kết quả giải quyết việc làm mới sau đào tạo tại các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh chưa cao; giải quyết việc làm mới thông qua xuất khẩu lao động đạt thấp. Chưa có giải pháp hữu hiệu quản lý xuất cảnh tự phát, bất hợp pháp sang Trung Quốc và các nước lân cận. Một số chương trình tín dụng triển khai chậm như: vay trồng rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, vốn vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành có liên quan cần rà soát, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu ban hành một số chính sách mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung những chính sách đã lạc hậu cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Bên cạnh đó để nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; chỉ đạo chủ đầu tư nâng cao năng lực quản lý, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các dự án và kịp thời giải ngân các nguồn vốn. Kiên quyết xử lý đối với những dự án chậm tiến độ, chậm thanh, quyết toán. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm các sai phạm trong triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn. Có giải pháp hữu hiệu thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động, tạo việc làm tại thị trường trong nước. Tăng cường quản lý người lao động xuất cảnh tự phát, bất hợp pháp qua biên giới. Rà soát, kiểm tra các mô hình sản xuất vay vốn tín dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn sau giải ngân; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo thị trường tiêu thụ ổn định... Và đặc biệt cần có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
 
Vừ Thị Liên - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh