Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV
 
HĐND - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 29/10, Quốc hội thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với mục đích, sự cần thiết với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội; vì cho rằng sau hơn 03 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. 

Tham gia cụ thể vào các nội dung sửa đổi: Nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội. Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn phải là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; quy định về việc quản lý đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương. Đồng thời đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Đoàn đại biểu Quốc hội và vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương trong Luật Tổ chức Quốc hội. Về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật thì vai trò, vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng, khó khách quan, độc lập trong thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội tại địa phương. Do vậy, đề nghị quy định theo hướng ngân sách Trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Về số lượng vị trí cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong Luật Tổ chức Quốc hội. Nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định số lượng vị trí cấp phó cụ thể của từng cơ quan trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền về quản lý cán bộ trong từng nhiệm kỳ Quốc hội.

Đối với bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định rõ địa vị pháp lý của bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thay cụm từ “bộ phận tham mưu giúp việc” tại khoản 2 và khoản 4 Điều 43 của dự thảo Luật bằng cụm từ “bộ máy tham mưu giúp việc”. Trong thời gian tới khi Luật này có hiệu lực thi hành đề nghị nên hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh thay vì hợp nhất 03 Văn phòng. 

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội gồm 10 điều, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.

Đầu giờ chiều Quốc hội làm việc tại Hội trường để nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam,sau đó các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án luật trên./.

Hồ Nam