Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
 
CTTĐT - Sáng ngày 16/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quàng Thị Vân, đồng tình vớisự cần thiết ban hành Luật này, cũng như tên gọi của dự thảo Luật được Chính phủ trình tại kỳ họp. Đại biểu phân tích thêm, việc ban hành Luật này nhằm cụ thể hóa một số nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Với mục tiêu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng tăng nhanh. Rượu, bia là một trong những yếu tố có hại cho sức khỏe, là một trong năm nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tật, khuyết tật, tử vong, là nguyên nhân trực tiếp của một số bệnh ung thư: ung thư gan, thực quản, dạ dày…, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến não bộ bị ức chế, tê liệt, loạn thần, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi; tai nạn giao thông so sử dụng rượu, bia. Do đó, việc ban hành Luật này là cấp thiết, để tạo hành lang pháp lý, có biện pháp quản lý nhà nước phù hợp vì sức khỏe cộng đồng.

Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Quàng Thị Vân đề nghị rà soát lại các quy định để tránh xung đột với Luật Quảng cáo, Luật thương mại về các hành vi bị cấm, được quy định tại khoản 2 điều 5; quy định cấm “ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”; đề nghị bổ sung quy định "cấm bán rượu, từ 15 độ trở lên sau 22h đến 8h sáng ngày hôm sau”. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với quy định về địa điểm, trường hợp không được uống rượu, bia như trong dự thảo luật; đồng tình với quy định kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được trích từ số thu thuế đặc biệt đối với rượu, bia. Băn khoăn về quy định: “thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công” quy định tại điểm d, khoản 1, điều 31 và khoản 4 điều 25. Vì thực tế đối với những hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, mà chỉ sản xuất để tự phục vụ cho chính bản thân và gia đình, vậy đối với những đối tượng này thuộc đối tượng được chuyển đổi ngành nghề không và chuyển đổi như thế nào. Ngoài ra một số điều khoản trong luật còn trùng lặp, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa chặt chẽ. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ các nội dung để khi ban hành Luật dễ áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong việc phòng chống tác hại của rượu, bia.

Buổi chiều Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Hồ Văn Nam- Văn phòng Đoàn ĐBQH tinh