Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan
 
CTTĐT - Sáng ngày 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (gọi tắt Hiệp định CPTPP). Tại tổ thảo luận số 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Điện Biên, Đắk Lắk, Khánh Hòa. Đại biểu Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Tổ trưởng, Chủ trì phiên thảo luận.

Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã được 12 nước ký kết ngày 04/2/2016 nhưng do Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định nên các nước dừng việc phê chuẩn và 11 nước còn lại tiếp tục đàm phán Hiệp định. Trong khuôn khổ Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017, 11 nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định với tên gọi mới là Hiệp định CPTPP và ngày 8/3/2018, Hiệp định CPTPP được 11 nước ký kết tại Thủ đô Santiago, Chi lê.

Phát biểu ý kiến tham gia, các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới. Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác.

Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định; những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện; có chính sách đối với hàng hóa thế mạnh của Việt Nam. Về sửa đổi, bổ sung ban hành các Luật mới nhằm đảm bảo không xung đột pháp luật, ngoài các Luật được đề cập như Tờ trình, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập các danh mục Luật cần sửa đổi, bổ sung, đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2019,trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội 14; Riêng Luật Phòng chống tham nhũng, cần rà soát sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung để phù hợp với cam kết của Hiệp định, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.

Hồ NamVăn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên