Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH trong cả ngày thứ Bảy
 
CTTĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành cả ngày 27/10 để thảo luận tiếp về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm và giữa kỳ; đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại phiên thảo luận, tham gia vào báo cáo của Chính phủ về đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Lò Thị Luyến - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, có ý kiến phát biểu: Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, hiện có 118 chính sách (trong đó có 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp). Qua đó đã tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện và khá lên; kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi từng bước phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân ngày càng khá hơn, nhân dân các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng. Tuy nhiên bên cạnh đó, thực tế đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (52,7%), kết cấu hạ tầng còn  thấp kém, giao thông đi lại còn khó khăn. Những hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được Chính phủ đánh giá, là một số chính sách đã được ban hành nhưng thiếu nguồn lực, kinh phí để thực hiện; việc tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng tạo ra mặt trái, đi ngược lại sự kỳ vọng của các nhà quản lý và tính nhân văn của chính sách. Thực tế là còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ chính sách, không tích cực lao động sản xuất, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo. Đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số nội dung:

1. xem xét và có những giải pháp tổ chức thực hiện chính sách phù hợp, để khuyến khích được người nghèo vươn lên, người khá giả, người giàu được khích lệ. Đồng thời kiến nghị và mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

2. phát triển kinh tế hộ gia đình, đại biểu kiến ghị trước hết, cần có lộ trình bỏ dần những chính sách hỗ trợ trực tiếp (cho không) người dân, chuyển dần sang thực hiện các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Chính sách hỗ trợ trực tiếp sẽ chỉ thực hiện đối với các đối tượng là người khuyết tật, mất khả năng lao động. Còn các đối tượng khác phải thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình (chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp…) nhằm nâng cao ý thức vươn lên khắc phục tư tưởng ỷ lại trông chờ vào chính sách của nhà nước.

3. xây dựng kết cấu hạ tầng, để khai thác tiềm năng về phát triển kinh tế, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc… đối với khu vực miền núi và đồng bào DTTS (Tây Bắc, Đông Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ). Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường nguồn lực quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng DTTS và miền núi, tạo điều kiện giao thông đi lại thuận lợi, sẽ thúc đẩy giao thương trao đổi hàng hóa nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút các nhà đầu tư vào vùng DTTS, miền núi. Có như vậy, mới khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Hồ Nam