Hoạt động thảo luận tại hội trường của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
 
CTTĐT - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 25/10 Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận đại biểu Mùa A Vảng và đại biểu Trần Thị Dung tham gia một số nội dung vào dự thảo Luật: Về phạm vi bí mật nhà nước tại Điểm đ, Khoản 5, Điều 7 quy định: “Thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch: cấp quốc gia, cấp vùng; cấp tỉnh; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cửa khẩu; hệ thống kho dự trữ quốc gia; hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho vũ khí, công nghiệp quốc phòng, an ninh.” là chưa thống nhất với Điều 19 của Luật quy hoạch, vì theo Luật quy hoạch trong quá trình xây dựng quy hoạch cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, cá nhân có liên quan. Như vậy, quá trình xây dựng quy hoạch phải lấy ý kiến rộng rãi thì không thể thực hiện quy trình bảo mật. Mặt khác, tại khoản 4, Điều 13 của Luật Quy hoạch còn nghiêm cấm việc cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định thông tin về quá trình xây dựng quy hoạch: cấp quốc gia, cấp vùng; cấp tỉnh; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện bảo vệ bí mật nhà nước tại Điều 24. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc giám sát thực hiện Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Về “giải mật” được quy định tại Điều 22, song dự thảo Luật không quy định cụ thể khái niệm giải mật. Đại biểu đề nghị luật cần quy định bổ sung khái niệm “Giải mật” vào Điều 2, để làm cơ sở và hiểu một cách thống nhất về giải mật./.

Hồ Nam