Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 
CTTĐT - Ngày 31/5/2018, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát trực tiếp tại Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) đất lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2015-2018 và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ năm 2015 - 2018 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Báo cáo với đoàn giám sát, Sở NN&PTNT cho biết: Toàn tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng,  cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015 theo kế hoạch 388 cho các tổ chức, cộng đồng dân cư và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn với tổng diện tích là 325.808,14 ha/602.073,1 ha, đạt 54,11% khối lượng, trong đó: Cấp GNNQSDĐ cho 4.288 cộng đồng, hộ gia đình với diện tích 262,047,73 ha/289.704,22 ha đạt 90,5%; cấp chứng nhận cho 3.937 cộng đồng, hộ gia đình với 5.642 giấy chứng nhận với tổng diện tích 260.720,17 ha; giao đất, giao rừng và CGCNQSDĐ cho 06 tổ chức với tổng diện tích là 63.760,41 ha (đất rừng phòng hộ 16.537,16ha, đất rừng đặc dụng 46,585,13ha; rừng sản xuất 638,12ha).

Việc triển khai thực hiện chi trả DVMTR từ năm 2015-2018 trên địa bàn tỉnh, đã thực hiện chi trả tổng diện tích 722.668,78 ha bao gồm: Rừng đặc dụng, rừng Phòng hộ và rừng Sản xuất. Tổng số thu: 643.298.740.985 đồng; tổng số chi 426.269.040.121 đồng.

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã hình thành và tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, gắn với nhu cầu thị trường; đã thu hút, hình thành và tạo liên kết theo chuỗi “sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm” giữa doanh nghiệp và người dân... góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác tuyên truyền việc thực hiện giao đất, giao rừng ở một số nơi còn hạn chế; công tác giao đất, giao rừng mới chỉ tập trung triển khai thực hiện đối với diện tích đất lâm nghiệp có rừng, chưa thực hiện được việc giao đất lâm nghiệp chưa có rừng; chưa thực hiện xong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng của tỉnh; vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép, cháy rừng;... chưa áp dụng cả 4 hệ số K thành phần để xác định mức chi trả DVMTR. Đơn giá chi trả DVMTR có sự chênh lệch lớn giữa các lưu vực (sông Đà và sông Mã). Một phần diện tích thuộc lưu vực sông Mã (huyện Mường Ảng và 8 xã của huyện Tuần Giáo) chưa tiến hành chi trả.

Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa đánh giá cao những kết quả Sở NN&PTNT đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện giao đất, giao rừng còn lại và giao đất lâm nghiệp chưa có rừng cho các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng thu nhập cho người dân; xem xét số liệu, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trong giai đoạn tiếp theo... đồng chí cũng yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát, đánh giá kết quả để có cơ sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; xác định cây, con chủ lực của tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản thay thế Kế hoạch 388 và có chỉ đạo thực hiện cụ thể trong giai đoạn tiếp theo.../.

Thu Hiền