Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị sớm bố trí đủ vốn Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La
 
CTTĐT -Sáng ngày 26/5, trong phiên thảo luận tại hội trường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng phát biểu ý kiến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản đồng tình với Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ. Theo đại biểu, với sự chỉ đạo chủ động, quyết liệt của Chính phủ kinh tế của đất nước đã có bước tăng trưởng ấn tượng, quý I/2018, GDP tăng 7,38% cao nhất trong 10 năm qua; xuất khẩu tăng mạnh, tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, tăng từ bậc 82 lên 68/190 nền kinh tế; chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 5 hạng từ 60 lên 55/137…

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng KT-XH, đời sống của nhân dân các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách phát triển giữa vùng miền chưa được thu hẹp… Một trong những nguyên nhân đó là việc ban hành, sửa đổi một số chính sách chưa phù hợp, kịp thời; phân định vùng, đối tượng chưa rõ ràng; có nhiều chính sách còn bất cập, chưa bố trí đủ nguồn vốn để thực… Từ phân tích nêu trên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách mới đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp; quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất, nâng cao trình độ dân trí; có chính sách hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản…

Cũng tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng thông tin: Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 5 năm, đóng góp rất lớn cho phát triển KT-XH của đất nước và vùng Tây bắc. Tuy nhiên, việc giao vốn một số hạng mục dự án chưa kịp thời, tổng mức vốn đầu tư dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên trên 7 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới được giao 94% kế hoạch vốn; số vốn chưa được giao là 425 tỷ đồng nên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn thanh toán các công trình đã hoàn thành, hoàn ứng, hỗ trợ nhân dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống…

“Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn chung của cả nước khi rất nhiều nơi, nhiều công trình dự án rất cần phải đầu tư nhưng việc bố trí vốn để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia là hết sức cần thiết. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm cân đối bố trí đủ số vốn theo kế hoạch để tỉnh Điện Biên giải quyết những khó khăn hiện nay liên quan đến Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên”- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị.

Hoa Huyền