Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại huyện Mường Nhé
 
CTTĐT - Triển khai thực hiện số 15/NQ-HĐND ngày 05/3/2018 của Thường trực HĐND tỉnh về việc thành lập đoàn giám sát “Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013-2015; việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2015 - 2018; việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ năm 2015 – 2018, trên địa bàn tỉnh Điện Biên"; ngày 15/5, Tổ giám sát số 2, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Mường Nhé.

Đoàn đã giám sát trực tiếp tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và 2 xã: Mường Nhé, Chung Chải (huyện Mường Nhé). Theo báo cáo, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được giao quản lý, bảo vệ 46.053 ha đất lâm nghiệp với 234 khoảnh thuộc 25 tiểu khu trên địa bàn 5 xã. Đến nay, tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 44.309,89 ha (trong đó: xã Leng Su Sìn 11.369 ha; xã Mường Nhé 9.873,4 ha; xã Sín Thầu 7.672,9 ha; xã Chung Chải 8.918,3 ha và xã Nậm Kè 6.475,7 ha); diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong vành đai biên giới đang được đơn vị quản lý, bảo vệ 822,2 ha và diện tích không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 920,9 ha. Tổng diện tích thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, năm 2015 là: 30.303 ha, đến năm 2018 tăng lên 33.037,2 ha, trong đó: diện tích rừng giao khoán bảo vệ là 27.526,4 ha, diện tích tự tổ chức bảo vệ 5.510,8 ha; tổng số tiền chi trả 60,1 tỷ đồng (trong đó: thanh toán cho các nhóm hộ, cộng đồng thôn bản nhận khoán là 46.930 triệu đồng). Công tác quản lý, bảo vệ rừng khu bảo tồn thiên nhiên theo dự án trên địa bàn 5 xã đã được triển khai và thực hiện đạt kết quả tốt, không để  xảy ra về điểm nóng về tình trạng phá rừng, cháy rừng.

Đoàn giám sát làm việc với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và 02 xã Mường Nhé và Chung Chải

Thực hiện Kế hoạch 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh và các văn bản liên quan, các xã đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện triển khai, thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, cụ thể: xã Mường Nhé tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng được giao là 8.883,5 ha cho 5 cộng đồng bản; 2 hộ gia đình và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; Xã Chung Chải thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 6 cộng đồng dân cư với tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng được giao là 2.731ha, cấp 16 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 cộng đồng bản; diện tích đất lâm nghiệp có rừng chưa được giao là 1.114,4 ha.

Đối với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, chính quyền 2 xã chưa xây dựng được kế hoạch triển khai thực hiện đề án; kết quả, hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa rõ nét, mờ nhạt, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã đề nghị các đơn vị làm rõ thêm về: diện tích rừng được nghiệm thu, diện tích rừng được chi trả, thanh toán; chênh lệch diện tích rừng giữa các năm, nguyên nhân tăng, giảm; các chỉ tiêu trồng rừng đạt thấp; hiệu quả công tác bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; xây dựng phương án giao diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ; các hình thức triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại 2 xã: Chung Chải, Mường Nhé; trao đổi, làm rõ các đề xuất kiến nghị của các đơn vị; công tác giải quyết tranh chấp đất đai, đơn thư, khiếu nại…

Đoàn giám sát kiểm tra tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại bản Đoàn Kết, xã Chung Chải

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, giao dứt điểm diện tích rừng còn lại; tăng cường công tác quản lý bảo về rừng và trồng rừng theo kế hoạch hàng năm; làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến người dân, các cộng đồng các bản. Đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới đề nghị 2 xã: Chung Chải và Mường Nhé tiếp tục thực hiện việc khai hoang ruộng nước, thay đổi các chủng loại giống có năng suất chất lượng cao; tập trung nhân rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt; tiếp tục vận động nhân dân duy trì, liên kết đất sản xuất, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa…

Cùng ngày, tổ công tác đã đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại một số bản của xã Mường Nhé, xã Chung Chải./.

Tin, ảnh: Mạnh Thắng