Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung phát biểu ý kiến tham gia việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới
 
CTTĐT - Ngày 02/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Đồng chí Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến, ĐBQH Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng: qua thống kê số liệu tại báo cáo của Chính phủ, còn đến 30 đầu việc phải tiếp tục triển khai để có thể hoàn thành và áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là đào tạo giáo viên dạy các môn học mới chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Mặt khác, tính đến năm 2019, thời gian xây dựng chương trình và sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới chỉ là 4 năm, chưa bằng một nửa thời gian trước đây xây dựng ban hành chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (9 năm). Đại biểu băn khoăn, liệu lùi 1 năm có đủ để thực hiện, 1 năm có đủ để đào tạo giáo viên dạy các môn học mới không? Đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ với Quốc hội và có biện pháp cam kết với Quốc hội, nếu Quốc hội đồng tình với tờ trình của Chính phủ lùi 1 năm thì Chính phủ phải đảm bảo hoàn thành thực hiện được khối lượng công việc và đảm bảo chất lượng theo đúng mục tiêu của Nghị quyết số 88 đã đề ra.

Về việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa trong thời gian chưa triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc, phương án của Chính phủ đưa ra là “các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới”. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, cần được Chính phủ báo cáo làm rõ với Quốc hội./.

Mai Hồng