Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia vào dự án Luật
 
CTTĐT - Sáng ngày 11/11 Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật đường sắt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển hoạt động đường sắt của Việt Nam trong thời gian tới. Đại biểu Sùng A Hồng đánh giá, công tác chuẩn bị dự thảo Luật chưa chu đáo, kết cấu lộn xộn, chưa logic; có quá nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành quy định chi tiết; phạm vi điều chỉnh quy định theo hướng liệt kê chi tiết dẫn đến dài dòng nhưng lại không đầy đủ.

Đại biểu Trần Văn Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia vào nội dung quy hoạch đường sắt, đại biểu Trần Văn Sơn cho rằng để phát triển đường sắt thì quy hoạch là quan trọng nhất. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch tổng thể giao thông đường sắt, có kết nối với các loại hình giao thông khác như giao thông đường bộ, đường hàng không và các cảng biển quốc gia. Trong đó, giao thông đường sắt giữ vai trò chủ đạo trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đối với đường sắt đô thị, ngoài kết nối với các loại hình giao thông khác còn phải trú trọng kết nối với các trung tâm thương mại, dịch vụ…Đồng thời, phải quy định về phân kỳ đầu tư cụ thể để tập trung nguồn lực đầu tư theo từng giai đoạn. Đại biểu nhấn mạnh, thời gian tới, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa bởi hiệu quả và lợi ích của loại hình giao thông này rất lớn.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát triển đường sắt, đại biểu Trần Văn Sơn đánh giá, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, phát triển đường sắt quy định trong Dự thảo Luật chưa cụ thể, chưa tạo được đột phá trong xã hội hóa hoạt động đường sắt. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, không nhất thiết phải tách riêng chính sách phát triển đối với đường sắt tốc độ cao về Chương VIII, quy định về chính sách nên tập trung tại Điều 5, Điều 6 dự thảo Luật.

Về đường sắt tốc độ cao, đại biểu Trần Thị Dung băn khoăn, có lẽ Ban soạn thảo đã căn cứ vào tiêu chuẩn của đường sắt cao tốc để xây dựng quy định về đường sắt tốc độ cao; tới đây, ta có triển khai xây dựng đường sắt cao tốc hay không (20, 30 hay 50 năm nữa), nếu có, đề nghị phải quy định trong Luật để có cơ sở triển khai thực hiện.

Mai Hồng