Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề
 
CTTĐT - Từ ngày 05 đến ngày 07/9/2016, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Phạm Bá Lung - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng; xã Xá Nhè (Tủa Chùa), xã Nà Sáy (Tuần Giáo) và Sở Tư pháp về công tác thi hành pháp luật trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2012 đến nay.

Trong những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, dân trí thấp. Các lĩnh vực pháp luật được triển khai đồng bộ, đặc biệt là công tác tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự và hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở. Giúp chính quyền các cấp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý, giảm thiểu công tác khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định do: Trình độ dân trí thấp, địa bàn rộng, lực lượng trợ giúp pháp lý mỏng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức chưa sâu sắc về trợ giúp pháp lý nên một số người dân chưa được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, chưa thực sự trú trọng đến hoạt động trợ giúp pháp lý nên hoạt động của một số Câu lạc bộ TGPL còn mang tính hình thức, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, hiệu quả thấp. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả chưa cao.

Đoàn giám sát đã ghi nhận ý kiến đề xuất, kiến nghị tập trung chủ yếu các nội dung: Cần xem xét chế độ chính sách ưu đãi đối với người thực hiện TGPL tương xứng với nhiệm vụ được giao; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với tổ chức đăng ký tham gia TGPL tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Cộng tác viên TGPL. Tiếp tục hỗ trợ các nguồn kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ TGPL; cấp kinh phí cho các hoạt động đặc thù, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý lưu động xuống cơ sở, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý...

Đoàn giám sát đề nghị chính quyền cơ sở, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.        

Thu Hiền