Quốc hội thảo luận Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016
 
CTTĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 22/10/2015 QH thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Tại buổi thảo luận các ĐBQH cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, diễn biến chính trị, xã hội, xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi, tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt đã tác động nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta so với dự báo đầu năm, nhưng với chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự khắc phục khó khăn của doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; kết quả tái cơ cấu đầu tư công còn chậm, tỷ lệ thoái vốn của các Doanh nghiệp được cổ phần hóa thấp, các đại biểu lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân. Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, kỷ luật ngân sách chưa được cải thiện nhiều, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ để chỉ ra các hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành để khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới phải thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công và dựa vào nguồn lực hiện có, tận dụng các lợi thế cạnh tranh, chọn các ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với từng vùng, địa phương để đầu tư phát triển.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ

Theo Đại biểu Lò Văn Muôn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đối với các tỉnh khó khăn đa số các công trình được đầu tư là công trình nhỏ, vốn ít, nhưng thủ tục đầu tư nhiều, kéo dài thời gian và phải thực hiện nhiều khoản chi phí theo quy định, dẫn đến nhiều Doanh nghiệp không muốn thực hiện các công trình này, vì vậy mà chậm được triển khai thực hiện. Do đó, cần có cơ chế rút gọn và kiểm soát đối với một số dự án có quy mô nhỏ.

                                                               Tin, Ảnh:  Lê Hoài Nam