Tin tức & sự kiện  

ĐBQH Lò Thị Luyến tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

Cập nhật ngày 07/01/2022 10:08:20 AM - Lượt xem: 256

Sáng 07/01, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.


Phát biểu ý kiến tham gia, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên bày tỏ sự nhất trí cao đối với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính sách này được trình mang tính cấp thiết, phù hợp và kịp thời. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, đến chuỗi sản xuất cung cầu toàn cầu. Trên thực tế nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã sử dụng các gói chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, lấy lại nhịp độ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội…và cũng đã rất thành công. Việt Nam trong thời gian qua cũng đã chịu sự ảnh hưởng và tác động nặng nề của dịch bệnh, làm cho cuộc sống đại đa số người dân gặp khốn khó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu của doanh nghiệp giảm sút. Tại kỳ họp này Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với giải pháp tài khóa, tiền tệ quy mô rất lớn so với các gói hỗ trợ từ trước tới nay, có được gói hỗ trợ này doanh nghiệp và người dân được tiếp sức, sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt.

Liên quan đến nội dung xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid -19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. Đại biểu cho rằng Chính phủ trình Quốc hội quyết định để thực hiện chính sách này là đúng đắn, thể hiện sự ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.

Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án: Phương án 1 là cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Phương án 2 là chỉ tính đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền. Đại biểu phân tích, thực tế chúng ta thấy việc ủng hộ này có thể có một số lo ngại trong việc nâng giá hiện vật lên so với giá trị thật như đã từng xảy ra trong thời gian qua nhưng không nên đánh đồng hành vi này cho tất cả, không nên vì có “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà Quốc hội không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật của doanh nghiệp. Việc cần bàn là làm thế nào để có các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo đạt kết quả tốt, việc nâng giá, khống giá đã có các quy định của pháp luật làm hành lang quản lý (ai vi phạm thì xử lý). Theo quan điểm cá nhân, đại biểu nhất trí đồng thuận, ủng hộ phương án 1 “doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền và hiện vật đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp”, thực tế thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, hỗ trợ bằng hiện vật (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm…) rất hiệu quả, thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Về các 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Chương trình đại biểu nhất trí cao theo Tờ trình của Chính phủ, trong đó có nhóm nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển với mục tiêu là “phấn đấu sớm hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp…. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm cân đối kinh phí để sửa chữa những đoạn đường đã xuống cấp, tạo điều kiện để một số dự án đường cao tốc vùng núi phía Bắc được triển khai sớm hơn so với thời gian được ghi trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 như đoạn đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang, Sơn La - Điện Biên. Những tuyến đường này có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, kết nối giao thông trong nước với cửa khẩu và hơn thế nữa đây là tuyến đường trọng yếu về quốc phòng – an ninh vùng biên giới phía Bắc./.

Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Đồng chí Giàng Thị Hoa Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Điên Biên về công tác quy hoạch
Thường trực HĐND tỉnh họp đánh giá rút kinh nghiệm kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh
Tổ đại biểu huyện Nậm Pồ tiếp xúc cử tri trực tuyến sau kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XV
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hiệp thương cử bổ sung 3 ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2019 - 2024
Cử tri mong muốn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã trên địa bàn
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Điện Biên sau kỳ họp thứ Năm
Cửu tri đề nghị triển khai các mô hình phát triển kinh tế để từng bước nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo