Tin tức & sự kiện  

ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày 04/01/2022 20:42:32 PM - Lượt xem: 256

Chiều ngày 04/01, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Qua thảo luận, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về các giải pháp tài khóa, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng Chính phủ trình với quy mô 291 nghìn tỷ là tương đối lớn so với các chương trình hỗ trợ từ trước tới nay. Đây là con số đủ lớn để triển khai thực hiện Chương trình góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đảm bảo đời sống của người dân.

Đối với một số nội dung xin ý kiến của Quốc hội, các đại biểu nhất trí cao với các nội dung về tăng bội chi NSNN, miễn giảm thuế; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách Xã hội; cho phép bố trí NSNN để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…Đồng thời, có ý kiến tham gia đối với nội dung cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ trình 02 phương án: Một là, được tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền và hiện vậtcho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Hai là, chỉ được tính đối với các khoản chi bằng tiền do lo ngại vấn đề nâng khống chi phí mua hiện vật để ủng hộ. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng và đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị chọn Phương án 1, đó là cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính. Với lý giải, thời gian qua, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ cả bằng tiền và bằng hiện vật cho công tác phòng, chống dịch. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ bằng hiện vật đảm bảo tính kịp thời và rất hiệu quả (so với việc hỗ trợ bằng tiền cho các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc hỗ trợ vật tư y tế). Việc nâng khống chi phí đã có quy định của pháp luật điều chỉnh. Doanh nghiệp nào vi phạm thì doanh nghiệp đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phương án này cũng tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả ủng hộ nhiều hơn cho công tác phòng, chống dịch của quốc gia trong thời gian tới.

Đối với các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình các vị đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí cao với việc áp dụng một số cơ chế đặc thù như: Cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND một số địa phương thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn./.

Mai Hồng

 

 

 


Tin liên quan
Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Điên Biên về công tác quy hoạch
Thường trực HĐND tỉnh họp đánh giá rút kinh nghiệm kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh
Tổ đại biểu huyện Nậm Pồ tiếp xúc cử tri trực tuyến sau kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XV
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hiệp thương cử bổ sung 3 ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2019 - 2024
Cử tri mong muốn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã trên địa bàn
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Điện Biên sau kỳ họp thứ Năm
Cửu tri đề nghị triển khai các mô hình phát triển kinh tế để từng bước nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo
Tổ đại biểu HĐND tỉnh, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Năm tại xã Huổi Lếch, xã Nậm Kè
Chủ tịch HĐND tỉnh, Lò Văn Phương tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Năm tại thị trấn Tủa Chùa
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Mường Chà tiếp xúc cử tri tại xã Sa Lông và xã Huổi Lèng