Tin tức & sự kiện  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La

Cập nhật ngày 05/10/2016 20:26:18 PM - Lượt xem: 240

CTTĐT - Trong chương trình chuyến thăm và làm việc tại Điện Biên, sáng (1/10), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ các dự án trọng điểm quốc gia cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La năm 2001 – 2016. Về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh.


Tới dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Là Dự án đa mục tiêu có quy mô, công suất lớn và có số dân phải di chuyển, bố trí TĐC lớn nhất nước ta từ trước đến nay, với 20.340 hộ và 93.201 người thuộc 248 bản, tổ dân phố, 31 xã, phường, 8 huyện, thị xã của 3 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Dự án gồm 3.357 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư trên 17.600 tỷ đồng. Sau 15 năm thực hiện, đến nay dự án cơ bản hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng 3.203 dự án thành phần (đạt 99,8%), với tổng mức đầu tư 17.446 tỷ đồng, góp phần đưa nhà máy Thủy điện Sơn La vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao công suất cung cấp điện năng cho đất nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, nhất là 3 tỉnh vùng dự án.Thu nhập bình quân đầu người tại các khu, điểm TĐC tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển (từ 311 nghìn đồng/người/tháng lên 1,218 triệu đồng/người/tháng); 93,4% người dân TĐC được sử dụng nước sạch; 99,7% được sử dụng điện lưới quốc gia; 87,6% nhà ở được kiên cố, 12,4% bán kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,56 lần (từ 43,73% năm 2005 xuống 17,11% năm 2015). Các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao (cao su, lúa, ngô vùng bán ngập…). Các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao được người dân vùng TĐC áp dụng và nhân rộng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Văn Thành Chương

Tại tỉnh Điện Biên, theo quy hoạch được phê duyệt có 291 dự án thành phần, với 5.037,204 tỷ đồng. Đến nay đã có quyết định phê duyệt 255 dự án, với tổng mức đầu tư là 5.238,378 tỷ đồng (sau khi đã điều chỉnh); trong đó hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 251 dự án, đang thi công 4 dự án; hoàn thành giải ngân 6.394,166 tỷ đồng (đạt 94% khối lượng hoàn thành); giao 3. 227,12 ha, đạt 99,67% kế hoạch; tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất ở cho 3.743/4.311 hộ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho 1.165/1233 hộ, số còn lại hiện đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp. Với kết quả đó, đời sống người dân vùng TĐC trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đã được ổn định và đảm bảo hơn trước. Tuy nhiên, địa phương còn gặp phải 1 số khó khăn, vướng mắc nhất định, Điện Biên kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương bố trí đủ số vốn còn thiếu để tỉnh thanh toán khối lượng hoàn thành và thực hiện công tác quyết toán dự án theo quy định; sớm thẩm định hoàn thành Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC Thủy điện Sơn La” để tỉnh triển khai thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tri ân đối với các thế hệ cán bộ, nhân dân đã có những đóng góp nhất định cho dự án trong suốt 15 năm qua. Thủ tướng biểu dương những kết quả tiêu biểu mà chính quyền, nhân dân đạt được. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như:  đời sống của người dân một số điểm chưa ổn định, khó phát triển bền vững do thiếu đất, nước phục vụ sản xuất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất một số nơi chưa hoàn thành; việc thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các nơi tái định cư chưa đạt yêu cầu; hệ thống kết cấu hạ tầng tại nhiều nơi tái định cư chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình chưa đạt tiêu chí nông thôn mới, trong khi đó, công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng còn hạn chế, nên một số công trình xuống cấp sau một thời gian sử dụng, sạt lở, gây mất an toàn cho người dân… 

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải quan tâm các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, đào tạo lao động, giữ gìn sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nơi tái định cư. Muốn vậy phải lắng nghe ý kiến của đồng bào và phải tập hợp lại để giải quyết. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nơi tái định cư, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, khuyến công, hỗ trợ người dân làm du lịch, cải thiện đời sống người dân. Sắp tới nên xoay theo hướng hỗ trợ cho một nguồn lực tiềm năng để người dân tự phát huy giá trị của mình;“cho cần câu hơn là cho con cá” để đồng bào năng động hơn.

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các khu tái định cư, Thủ tướng nêu rõ, không chấp nhận công trình xây xong bỏ không, người dân không dùng. Thủ tướng yêu cầu những công trình dự án phục vụ cộng đồng phải có sự tham gia rộng rãi ý kiến của người dân ngay từ khi có chủ trương đầu tư cho đến giám sát thực hiện, đánh giá hiệu quả sau khi công trình đưa vào cuộc sống. Cùng với đó, chính quyền các địa phương chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở khu tái định cư, tăng cường củng cố đoàn kết giữa người dân tái định cư và người dân sở tại. Đi liền với đó là ưu tiên trực tiếp giảm nghèo bền vững, thoát nghèo sớm ở vùng tái định cư.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, đặc biệt là Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN, nghiên cứu cơ chế chia sẻ một phần lợi nhuận từ Thủy điện Sơn La để tiếp tục phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh: "Đừng để tình trạng như Thủy điện Hòa Bình, người dân vùng dự án nói làm thủy điện để làm gì mà chúng tôi không có đường đi, không có điện. Tất nhiên phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp chưa làm được, nhưng cơ chế chia một phần lợi nhuận cho những người đã chia sẻ với thành công của dự án là rất quan trọng".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

trong thực hiện chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Thành Chương

Ghi nhận những thành tích và đóng góp xuất sắc trong suốt 15 năm triển khai thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước đã khen thưởng, tặng thưởng Huân chương, Bằng khen các loại cho 58 tập thể, cá nhân tiêu biểu. Trong đó, tỉnh Điện Biên có 6 tập thể, 17 cá nhân được biểu dương. 

Nguồn: baodienbienphu

 


Tin liên quan
HĐND thành phố Điện Biên Phủ tập huấn "Kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021"
Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Điện Biên Phủ năm 2016
Nâng cao kỹ năng giám sát NSNN cho đại biểu HĐND cấp tỉnh theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015
Hội nghị cộng tác viên toàn quốc Báo Đại biểu Nhân dân năm 2016
Trường THPT Mường Nhà huyện Điện Biên khai giảng năm học mới
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh tặng xe đạp cho 7 em học sinh trường THCS Keo Lôm
Trường THPT Phan Đình Giót khai giảng năm học mới
Trao tặng xe đạp cho học sinh khuyết tật, mồ côi hiếu học tỉnh Điện Biên
Bộ máy lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức